Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2009

Trà và dưỡng sinh - Phần 1

Tác giả: GS Nguyễn Kỳ Hưng

Đại học kỹ thuật Curtin, Tây Úc

08 tháng 06 năm 2006

Dẫn nhập



Trong lịch sử nhân loại, có khá nhiều khám phá hoặc phát minh lớn lao bắt nguồn từ sự tình cờ. Truyền thuyết Trung Hoa kể rằng trong một dịp tuần thú, vua Thần Nông (2700 ÂL) tìm ra công hiệu của trà, khi một số lá của cây này rơi vào nồi nước đang nấu. Không mấy chốc, nước trong nồi ngả màu và tỏa mùi thơm. Là một người có đầu óc khoa học, vua Thần Nông nếm thử và nhận thấy nước này có hương vị thần diệu. Từ đó, ngài truyền dạy dân Trung Hoa cách dùng trà. Lại có truyền thuyết cho rằng trong một dịp ngẫu nhiên, vua Thần Nông nhai các lá trà thì nhận thấy chúng có khả năng xoa dịu sự công phạt của nhiều chất độc đang hoành hành trong cơ thể ngài. Những chất độc này đến từ các thảo mộc mọc trong thiên nhiên, do ngài nếm thử nhiều năm tháng trước đây.



Cho đến nay, người Tây phương và Đông phương vẫn còn có sự cách biệt khá lớn lao về sự cảm nhận và cách thưởng thức trà. Đối với nhiều người Tây phương, trà được dùng thuần túy như một thức uống. Đối với người Đông phương, trà không những là một thức uống, mà qua cách uống nó, người ta có dịp di dưỡng tinh thần bất cứ lúc nào trong một ngày. Muốn thấy được tầm mức nghiêm trọng của việc pha trà, ta hãy nghe lời khuyến cáo của một nhà văn Trung Hoa đời Tống: „Có ba điều ân hận trong cuộc đời: Làm hư hại tuổi thanh xuân qua sự giáo dục sai lạc, làm giảm giá trị của tác phẩm nghệ thuật qua những lời khen nhảm, và sự phí phạn trà ngon qua cách pha trà kém cỏi“ (trong Okakura 1964, tr.10).


Chính vì trà có một vai trò quan trọng trong sinh hoạt tinh thần Đông phương, nên qua nhiều thế kỷ,nghệ thuật uống trà đã được nhiều bậc thức giả, cũng như những kẻ uống trà sành điệu nghiên cứu và tán dương. Tuy vậy, một vài biến cố quan trọng về trà có thể kể đến như việc Lục Vũ (Lu Yu) đời Đường để lại cho hậu thế quyển 'Trà Kinh' vào thế kỷ thứ 8. Sau khi tác phẩm này ra đời, việc uống trà được xem trọng như một ngành nghệ thuật, thay vì thuần túy như một thức uống của dân gian. Vào cuối thế kỷ 12, thiền sư Nhật Eisai Zenji viết một luận thuyết cổ vũ việc uống trà gồm hai tập sách mang tựa đề 'Kissa-yojo-ki' (nghĩa: 'Chú Giải về Dược Tính của Trà'). Luận thuyết này đã gây một ảnh hưởng khá lớn lao vào xã hội Nhật trong thời Kamakura (1185-1333). Sau đó ít lâu, Trà đạo dần dà thành hình do kết quả của nhiều thuận duyên và công sức của một số thiền sư Nhật. Okakura, một nhà Đông phương học, viết một tiểu luận Anh ngữ về trà tựa đề 'The Book of Tea' năm 1906.

Cho đến nay, tác phẩm này được in lại rất nhiều lần, qua nhiều ngoại ngữ khác nhau. Tại nước ta, nghệ thuật uống trà thanh tao của người xưa bàng bạc trong một số tác phẩm văn học như 'Vũ Trung Tùy Bút' của Phạm Đình Hổ (1768-1839), 'Vang Bóng Một Thời' của Nguyễn Tuân, và 'Hương Trà' của Đỗ Trọng Huề. Các tác giả cho thấy các nhà Nho, dù có một cuộc sống đơn giản mấy đi chăng nữa, vẫn không thể thiếu trà Tàu trong cuộc sống thường nhật. Trà Tàu giúp các nhà Nho có thêm chất liệu cho cuộc sống tinh thần, bù đắp cho nếp sống thanh đạm:

Họ lịch sự như tiên, phú quý như giời,
Quất con ngựa rong chơi ngoài ngõ liễu.
Ta trồng cỏ đầy vườn, vãi hoa đầy đất,
Gọi hề đồng pha nước trước hiên mai.

(Thơ Hải Văn, trong Nguyễn Tuân 1962, tr.54)

Trong nhiều năm gần đây, có một số công trình nghiên cứu về trà của các khoa học gia, khám phá ra những lợi ích rất bất ngờ về trà. Từ những đặc tính y học của trà, nhiều người bất kể sống trong vùng văn hóa nào, bắt đầu sử dụng trà như một món uống hàng ngày để phòng chống một số ung thư và bệnh tật. Tuy nhiên, thật cần thiết để hiểu thêm nhiều về trà và nghệ thuật uống trà của cổ nhân Đông phương, vì lẽ những kiến thức này có thể giúp chúng ta hiểu rõ những lợi ích tinh thần mà trà có thể đem lại cho người uống. Trong suốt bài viết, từ ngữ 'Đông phương' mà tôi sử dụng gồm Trung Hoa và một số quốc gia từng chịu ảnh hưởng sâu đậm nền văn hóa của nước này như Nhật Bản và Việt Nam. Tôi cũng sẽ trình bày về nguồn gốc, các thành tố cần thiết và cung cách pha trà trong nghệ thuật uống trà, và sau cùng, sự liên hệ giữa trà và nghệ thuật dưỡng sinh của người xưa.

Tinh hoa và sự phát triển của thuật uống trà



I. NGUỒN GỐC TRÀ



1. Theo quan điểm thực vật học



Trà là loại cây xanh quanh năm. Tại Trung Hoa, trà chỉ mọc tại các tỉnh miền Tây Nam, trong khoảng vĩ tuyến 23 đến 25. Lượng mưa hằng năm lý tưởng cho sự phát triển của trà vào khoảng 200mm-260mm. Trà có thể chịu đựng được khí hậu lạnh, ngay cả dưới không độ, nhưng lại không thích hợp với những vùng có khí hậu nóng và ẩm thấp.

Sau cuộc chiến tranh nha phiến với Trung Hoa năm 1842, người Anh quyết định cạnh tranh thị trường độc quyền trà từ Trung Hoa thay vì lệ thuộc vào sự cung cấp của quốc gia này. Grieve (2003) cho biết sau khi am hiểu kỹ thuật trồng trọt và thu thập nhiều hạt giống trà, người Anh chọn lựa vùng đồi núi Assam thuộc miền Đông Bắc Ấn Độ như khu vực canh tác chính, vì khí hậu vùng này rất thích hợp cho việc trồng trà.

Khi bắt đầu việc khẩn hoang, họ khám phá ra rằng từ lâu nay, trà hoang đã có mặt và mọc tràn lan trong khu vực đồi núi này rồi. Sự việc đó gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi về nguồn gốc của những cây trà hoang trong vùng Assam, nếu chúng và giống trà của Trung Hoa là một.

Vào năm 1905 nhiều học giả đồng ý rằng bất chấp cây trà mọc ở vùng nào, chúng đều thuộc về giống loại Camellia sinensis. Theo Lehane (1977), khoa học ngày nay có khuynh hướng ủng hộ giả thuyết trà khởi xuất từ Ấn Độ vì có nhiều trà hoang, có họ hàng thân thích với Camellia, mọc trong vùng Assam nhiều hơn bất cứ vùng nào khác trên thế giới (tr.204).

Về thời điểm xuất hiện của cây trà, Giáo sư A. Kratsnow, một nhà thực vật học của trường Đại Học Kharkoff, nước Nga, cho rằng cây trà có thể là giống cây bản xứ của các vùng chịu ảnh hưởng gió mùa Đông Á, khi ông tìm thấy một số cây trà hoang mọc trong các vùng rừng rậm của miền Nam Nhật Bản. Giáo sư Kratsnow tin rằng cây trà đã có mặt từ lâu đời tại Trung Hoa và Nhật Bản trước khi người Đông Á biết sử dụng loại cây này.

Chính vì giai đoạn trồng trọt trà quá ngắn cho sự thay đổi các loại trà hiện thời, ông kết luận rằng các tính chất cá biệt của trà Trung Hoa là kết quả từ các thay đổi khí hậu của vùng Đông Á từ Kỷ Nguyên thứ Ba (Tertiary Epoch), thay vì do sự trồng trọt nơi vùng khí hậu lạnh hơn hoặc từ đất đai cằn cỗi. Nhà thực vật học này truy ra hai giống trà chính là Assam và Trung Hoa.

Giống thứ nhất vẫn còn mọc hoang tại Ấn Độ trong khi giống thứ nhì mọc hoang tại miền Nam Nhật Bản từ thời xa xưa đến nay (Ball 1982, tr.638-639)

2. Theo sử liệu, huyền thoại và truyền thuyết



Có hai giả thuyết tương phản về nguồn gốc trà tại Trung Hoa. Thứ nhất, trà biến hóa từ hai mí mắt bị cắt bỏ của tổ Đạt Ma, khi ngài tỏ quyết tâm chống lại cơn buồn ngủ trong lúc thiền định. Thứ nhì, Lục Vũ trong quyển 'Trà Kinh' cho rằng trà đã được biết đến tại Trung Hoa cách đây gần năm thiên kỷ vào thời vua Thần Nông.

Theo tôi, hai giả thuyết 'trà do vua Thần Nông khám phá ra', và 'trà biến từ hai mí mắt của tổ Đạt Ma' đều có điểm đúng. Trà hoa nữ (tên khoa học: Camellia sinensis) đã có mặt ở một số khu vực tại Trung Hoa từ lâu đời. Trà được dùng như vật cúng tế vào đời nhà Tây Chu (1027-771 ÂL), và như vật để nhai như trầu thời Xuân Thu (403-221 ÂL). Đến thời Tần và Hán (221-8 DL), trà được ép thành dạng viên, và phơi khô.

Khi dùng, người ta nghiền các viên trà, trộn với hành hương và gừng rồi nấu lên như một thức uống. Theo Lu Yu (1974), vào thời Tam Quốc (220-264 TL), trong một tiểu luận về thức ăn uống, danh y Hoa Đà cho rằng uống trà có vị đắng một thời gian dài sẽ tăng khả năng suy nghĩ nhanh nhẹn cho người uống (tr.131).

Vua Thần Nông nếm thuốc (Lehane 1977, tr.148)


Bồ Đề Đạt Ma (Lehane 1977, tr.206)



Tuy vậy, giống trà nhiều người biết đến tại Trung Hoa có thể đến từ Ấn Độ. Cũng có thể tổ Bồ Đề Đạt Ma đã mang theo giống trà ngon khi ngài đến Trung Hoa hoằng pháp năm 520 TL.

Trong lịch sử Phật giáo, nhiều tu sĩ Ấn Độ khi đi sang các nước khác truyền bá chánh pháp, không những mang theo xá lợi Phật, mà còn mang các đặc sản của vương quốc mình. Swann (1966) cho biết vào năm 284 ÂÂL, công chúa Sanghamitta, con gái vua Asoka (A Dục), theo anh là đại đức Mahinda qua Tích Lan thiết lập ni đoàn. Để gieo rắc nhân lành, vua Asoka cho phép công chúa mang theo một nhánh chiết từ cây Bồ Đề, nơi Phật Thích Ca ngồi thiền trong 49 ngày cho đến khi đắc đạo.

Cây Bồ Đề này hiện vẫn còn sống tại Pataliputra, và là bảo vật của Tích Lan (tr.41-42). Okakura (1964) đề cập đến ba biến cố quan trọng liên hệ đến sự có mặt của trà trong lịch sử Nhật Bản. Qua đó, có hai biến cố liên quan đến hai Thiền sư Nhật mang hạt giống trà từ Trung Hoa về nước.

Biến cố đầu tiên xảy ra khi Thánh Vũ Thiên Hoàng (Shomu, 724-749) khoản đãi trà cho 100 tu sĩ Phật giáo tại hoàng cung năm 729. Số trà này có lẽ do sứ thần Nhật mua trong chuyến đi sứ Trung Hoa một thời gian trước đó. Biến cố thứ nhì xảy ra khi Thiền sư Saicho mang về một số hạt giống trà và trồng tại Yeisan năm 801. Biến cố thứ ba xảy ra năm 1191 khi Thiền sư Eisai Zenji trở về Nhật sau khi tu học Thiền Nam phái tại Trung Hoa. Những hạt giống này được trồng tại ba nơi. Một trong ba nơi đó, theo Okakura, quận Uji gần Kyoto vẫn được mệnh danh nơi sản xuất trà ngon nhất thế giới (tr.17).

Ba biến cố trên và huyền thoại 'trà đến từ hai mí mắt của Bồ Đề Đạt Ma' cho thấy sự liên hệ mật thiết và ảnh hưởng của trà trong sự phát triển của Phật giáo tại Trung Hoa và Nhật Bản. Hiểu như vậy, tưởng cũng không có gì quá đáng cho lắm khi thấy nhiều người vẫn còn tin tưởng vào huyền thoại trên.

Xét về mặt dụng ý, truyền thuyết vua Thần Nông khám phá ra trà thỏa mãn tính tự hào của người Trung Hoa, khi họ không muốn một ngành nghệ thuật cao quý của họ, nhất là thuật uống trà, đến từ Ấn Độ, một quốc gia họ từng xem là 'rợ' vào các đời Hán, Đường, Tống. Tác phẩm 'Trà Kinh' còn cho thấy tính chuộng nghi lễ của Khổng giáo và sự hướng về thiên nhiên của Lão giáo đóng góp một phần quan trọng vào nghệ thuật uống trà Tầu. Trái lại, truyền thuyết trà biến sinh từ hai mí mắt của tổ Đạt Ma của Phật giáo vượt thoát khỏi phạm vi tự hào về quốc gia và chủng tộc.

Qua truyền thuyết này, không những trà là hiện thân của quyết tâm chống khỏi sự buồn ngủ, mà còn cho kẻ uống nó sự 'tỉnh thức', một sức mạnh của tâm linh. Tuy vậy, hai truyền thuyết tương phản này lại có một nhân duyên khá gắn bó. Lục Vũ sinh năm 733 tại nơi ngày nay là tỉnh Hồ Bắc, Trung Hoa. Ông mồ côi từ thuở nhỏ và được một Thiền sư nuôi dạy.

Vào thời Đường, thuật uống trà phát triển mạnh mẽ, song hành với sự phát triển của Thiền tông khắp Trung Hoa. Trà được ưa chuộng trong việc thực hành thiền vì đặc tính làm đầu óc người uống tỉnh táo, dễ tập trung hơn. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi ta thấy các nhà uống trà sành điệu thường xuất thân từ, hoặc có liên hệ với tu sĩ Phật giáo.

Vị cha nuôi của Lục Vũ là một thiền sư, và là một nhà uống trà sành điệu. Lục Vũ có dịp học nghệ thuật pha trà từ vị cha nuôi ngay từ thuở nhỏ. Bất chấp sự xuất thân từ cửa Thiền, ông không chú tâm mấy trong việc học kinh kệ để trở thành thầy tu, mà chỉ miệt mài vào văn chương và biên khảo. Vào những năm cuối đời, ông sống ẩn dật để hoàn tất công trình khảo luận bất tử về trà. Khi mất, ông được an táng trong chùa, bên cạnh tháp miếu của vị cha nuôi.
Giá trị của trà chỉ được công nhận khắp Trung Hoa từ sau đời nhà Đường. Có lẽ từ khi tác phẩm Trà kinh bắt đầu gây ảnh hưởng lớn lao trong mọi tầng lớp của xã hội nước này. Các thi hào của Trung Hoa vào thời kỳ này như Lý Bạch, Đỗ Phủ và Bạch Cư Dị đều lưu lại một số tác phẩm ca ngợi thú uống trà. Nhiều thế kỷ trước đó, mặc dù được ưa chuộng tại một số tỉnh miền Nam Trung Hoa, trà chỉ được xem như hạng thứ tại các vùng miền Bắc. Một đoạn trong 'Ký Chú các Phật Viện tại Lạc Dương' (Record of Buddhist Monasteries in Luoyang) vào thế kỷ thứ sáu cho thấy rõ điều này:
Hoàng đế Gaozu hỏi: „Trong số các món tuyệt hảo của Trung Hoa, món trừu so sánh với súp cá và trà so sánh với sữa như thế nào?“ Wangsu trả lời: „Trừu là đệ nhất của các loài sống trên đất, trong khi cá được xem như đệ nhất của các loài sống trong nước. Cả hai đều được xem như các thức ăn độc đáo. Tùy theo nhận thức riêng, có một sự khác biệt giữa thượng hạng và thứ hạng. Nếu ví trừu với các quốc gia lớn, thì cá được xem như các quốc gia nhỏ. Chỉ có trà là không so sánh được khi nó chỉ đáng xem như 'nô lệ của sữa’ „ (Kieschnick 2003, tr.264).
Trà đã có mặt tại nước ta ít nhất 10 thế kỷ. Sách 'An Nam Chí Lược' chép: „Tháng 5 năm thứ tám niên hiệu Khai Bảo, Đinh Liễn tiến cống vàng, lụa, sừng tê, ngà voi, trà thơm“ (trong Nhất Thanh 1970, tr.139). Sử kiện này còn cho ta biết vào thuở ấy, nước ta đã có giống trà ngon và kỹ thuật chế biến trà khô.

Qua tác phẩm 'Thoái Thực Ký Văn', Trương Quốc Dụng (1801-1864) cho biết sự phân bố trà tại nước ta vào thế kỷ 19 như sau: „từ Phú Yên trở vào không có cây trà, từ Bình Định ra Bắc xứ nào cũng có“ (trong Nhất Thanh 1970, tr.135). Dữ kiện đó giải thích được sự việc người miền Bắc và miền Trung nước ta có một truyền thống uống trà và canh tác trà từ lâu.

Trà còn được đề cập trong ca dao tục ngữ, và các tác phẩm văn học, điển hình như văn chương yêu nước của cụ Phan Bội Châu qua bài 'Thơ gọi trà'. Cụ Phan dùng trà để ám chỉ người dân Việt trong công cuộc chiến đấu dành độc lập từ thực dân Pháp:

Trà ơi! Còn nước là vinh hạnh,
Cháy lưỡi khô môi thảm những ai!

(trong Nhất Thanh 1970, tr.140)
Mục đích của thiền định là để lắng tâm và tinh khiết tâm. Trà đạo (chanoyu) của Nhật Bản sử dụng cung cách pha trà như một phương pháp lắng tâm. Qua phần nghi lễ, tâm người uống trà có dịp tập trung, theo dõi từng động tác pha trà và thưởng thức từng ngụm trà như theo dõi từng hơi thở trong thiền định. Quan tâm đến sự tinh khiết đã cổ vũ cho nghệ thuật uống trà của người xưa rất nhiều: nước pha trà phải trong trẻo, tinh khiết, không vướng các mùi tạp. Trà làm cho tâm người uống lắng đọng, thanh thản.

Xem tiếp
Phần 2: Các thành tố trong nghệ thuật uống trà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét